Từ khóa
BULONG - ỐC VÍT DỤNG CỤ ĐIỆN CẦM TAY HÀNG CAO CẤP DỤNG CỤ CẦM TAY DÙNG KHÍ NÉN |
21-09-2019 16:20
Những câu chuyện giản dị về con đường kinh doanh luôn đề cao chữ thật của doanh nhân Nguyễn Văn Phúc khiến bài học về triết lý cuộc đời, về nhân quả, về chữ phúc trở nên gần gũi, đơn giản và nhân văn hơn.
Ông giám đốc hay lo
9 giờ sáng ngày đầu tuần, một người đàn ông với gương mặt phúc hậu, ăn vận bình dị đi lại trong khuôn viên một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long, tươi cười trả lời điện thoại. Nhìn thấy tôi, ông vỗ vai: “Đợi mình một lát!”, rồi quay lại với những cuộc điện thoại không dứt.
Nếu là người lạ, hiếm ai nghĩ rằng, đây là chủ tịch, giám đốc của một doanh nghiệp lớn với hơn 400 nhân sự, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, nước. Ông là Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Dekko.
Dekko có 2 nhà máy sản xuất ống và phụ kiện nhựa PPR, uPVC, PEHD rộng 20.000m2 tại Hưng Yên. Nhà máy có hơn 40 dây chuyền máy móc hiện đại, nhập khẩu chủ yếu từ Đức và Áo với công suất thiết kế 33.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Năm 2015, Dekko mở rộng sang lĩnh vực thiết bị điện với sản phẩm đầu tiên là đèn Led, với slogan - “Điện nước cho mọi ngôi nhà”.
Là người đứng đầu doanh nghiệp, nhưng vốn bản tính cẩn thận, ông Phúc muốn theo sát mọi công việc. Lúc này, ông bận rộn với những cuộc điện thoại báo cáo từ công trường dự án xây dựng nhà máy sản xuất ống nước thứ ba tại Dung Quất, Quảng Ngãi. Nếu mọi việc thuận buồm xuôi gió, đầu năm sau, ống nhựa Dekko sẽ hiện diện nhiều hơn trong những ngôi nhà tại miền Trung và phía Nam.
Ông tâm sự, đáng lẽ theo kế hoạch, nhà máy này sẽ hoạt động từ cuối năm 2018. “Dự án gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, theo kế hoạch là mình chỉ mất hơn 1 tỷ đồng, ấy thế mà cuối cùng tăng lên hơn 10 tỷ đồng cơ đấy”, ông cười chia sẻ.
Kể cũng lạ, phải chi ra gấp nhiều lần số tiền dự tính, vậy mà nụ cười hiếm khi tắt trên khuôn mặt người đàn ông này. Ông Phúc giãi bày, ban đầu, công ty ông thống nhất với người dân đền bù theo giá quy định của Nhà nước. Khi đàm phán được một nửa số hộ dân rồi, thì lại có những hộ yêu cầu mức giá cao hơn.
“Các hộ đã nhận tiền đền bù xôn xao lắm, yêu cầu tôi cam kết, nếu các hộ sau được đền bù cao hơn thì phải chi trả thêm phần chênh lệch. Có người xui tôi “đi đêm” với các hộ sau này để trả riêng phần chênh lệch so với các hộ đã nhận đền bù, nhưng tôi quyết định không làm thế, mà minh bạch tất cả”, ông Phúc nói.
Tính ông thật thà như đếm thì nhiều người biết, nhưng ít ai biết, việc ông chấp nhận mất thêm nhiều lần số tiền dự tính, cũng bởi “ở đó họ nghèo lắm”.
Cũng bởi chậm tiến độ, mà 20 người được ông vào tận Quảng Nam chiêu mộ ra Hà Nội đào tạo để vận hành nhà máy mới rơi rụng còn 9 người. Song, ông nhất quyết sẽ không đem nhân sự thân tín từ ngoài Bắc vào, bởi “họ còn hạnh phúc gia đình, chưa kể chi phí sinh hoạt tốn kém...”.
“Ở đâu chả có người giỏi. Tôi chọn phương án nhân sự địa phương để họ cũng được gần gũi với gia đình”, ông vui vẻ.
Giữ uy tín đến mức đối thủ cạnh tranh cũng phải thừa nhận
Bước chân vào con đường kinh doanh đã gần 30 năm, đạt được không ít thành công, nhưng dường như khó khăn chưa bao giờ “bỏ quên” ông Phúc. Vậy mà, ông chỉ cười khi được hỏi về việc này.Quả thực, trong suốt quãng đường kinh doanh của mình, khó khăn đã nhiều lần thử thách ông.
Hùn vốn làm ăn cùng người bạn thân từ năm 1992, đến năm 2001, ông Phúc và người bạn quyết định sản xuất ống nhựa chịu nhiệt PPR. Ông cùng đồng nghiệp nghiên cứu theo các tiêu chuẩn sản phẩm nhập khẩu từ Italy, với những tính năng vượt trội như khả năng chịu nhiệt tốt, chịu được ăn mòn, độ bền cao…, để làm ra ống nhựa mang thương hiệu Dekko. 100% nguyên liệu được nhập từ nước ngoài. Dây chuyền sản xuất hiện đại nhập từ Đức. Thế nhưng, ống nhựa Dekko vẫn không có đầu ra, dù giá có rẻ hơn hàng nhập khẩu từ Italy tới 40%.
“Chúng tôi bị cạnh tranh bởi những sản phẩm chất lượng thấp hơn từ Trung Quốc và các thương hiệu gia công trong nước”, ông Nguyễn Văn Phúc nhớ lại.
Không bán được hàng nên tồn kho chất đống, công nhân phải nghỉ luân phiên, tài chính của Công ty cạn kiệt dần. “Trước nguy cơ phá sản cận kề, đã có lúc tôi phải tự đặt câu hỏi: Thật thà quá, liệu có làm được kinh doanh?”, ông Phúc kể.
Khi đó, nhiều người đề nghị trộn nhựa phế liệu vào để hạ giá thành, để cạnh tranh và bán được hàng. Nhưng ông Phúc khăng khăng: “Làm vậy chắc chắn dễ bán hơn, song ống nhựa sẽ không có độ bền và những tính năng vượt trội như đã cam kết. Không thể lừa dối khách hàng để sống được”.
Tâm niệm này của ông Phúc được đội ngũ công nhân thấu hiểu và chia sẻ. Họ chấp nhận nghỉ luân phiên và nhận lương 50% trong thời kỳ khó khăn. Song hành, ông Phúc yêu cầu đẩy mạnh truyền thông để khách hàng hiểu về sản phẩm của Dekko cũng như hệ lụy của việc sử dụng hàng kém chất lượng.
Sự kiên định của ông đã được đền đáp xứng đáng. Sau 3 tháng triển khai đồng loạt các giải pháp, lượng hàng tồn kho giảm dần, công nhân quay trở lại làm đủ ca, dòng tiền bắt đầu về. Niềm vui càng gấp bội khi một năm sau, Dekko vươn lên top đầu thị trường ống nước về doanh số bán ra. Trên đà thắng lợi, doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu và lần lượt cho ra đời các loại ống và phụ kiện nhựa mới như PPR, HDPE, uPVC…
“Quan điểm của tôi là trên sản phẩm in thế nào thì làm đúng như vậy và phải giữ uy tín đến mức đối thủ cạnh tranh cũng phải thừa nhận. Đã nói chất lượng thì đừng bao giờ chín bỏ làm mười, bởi nếu tôi đồng ý như vậy, thì chắc nhân viên của tôi sẵn sàng 6, 7, 8 cũng bỏ làm mười luôn”, ông Phúc ví von.
Tầm nhìn
Khi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ống nhựa, ông và những người cộng sự chọn cái tên “Dekko” - tiếng Anh, có nghĩa là tầm nhìn. Với ông, mọi việc sẽ thành công, dù có thể có nhiều khó khăn, thách thức nếu bắt đầu với một tầm nhìn dài hạn. Việc kinh doanh thì có… Dekko, việc gia đình cũng vậy, phải xác định rõ con đường của cả bố mẹ, con cái.
Ông Phúc tự nhận mình là người hướng nội. Ông tâm sự, suốt những năm tháng các con ông học phổ thông, tối tối, ông vẫn ngồi cạnh xem các con học. “Tôi giống như người bạn của các con mình. Tôi chia sẻ, trao cho con cái kiến thức, tư vấn định hướng cho con, không ép các con làm theo suy nghĩ và mong muốn của mình,”, ông nói.
Người con lớn của ông đã quyết định trở về sau khi tốt nghiệp ở Anh, đang phụ trách mảng sản xuất thiết bị điện trong công ty. Người con thứ hai đã quyết định đầu quân cho một công ty chứng khoán sau một tời gian làm ở công ty. Lý do là “ở đây hơi ít việc”.
Với “đứa con tinh thần” Dekko, ông Phúc đang từng bước thực hiện “tầm nhìn” mà ông ấp ủ.
Dù đã gần tuổi lục tuần, nhưng với xuất thân là dân kỹ thuật, tốt nghiệp kỹ sư Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Phúc lúc nào cũng say sưa với hai chữ cải tiến. “Nhưng cải tiến không phải ăn bớt, ăn gian đâu nhé”, ông Phúc nói.
Ông tâm sự, ngành ống nhựa không ít cạnh tranh. Muốn giảm giá thành, Dekko phải cải tiến từ công nghệ, ví dụ như tiết kiệm điện, tiết kiệm khâu vận chuyển nội bộ, kiểm đếm trong nhà máy. “Lúc thiết kế nhà máy sản xuất, tôi tính toán để tiết kiệm từng mét vận chuyển”, ông nói.
Ông cũng chẳng ngần ngại thừa nhận, dù có không ít kinh nghiệm và cũng qua đào tạo về quản trị, nhưng đây vẫn là hạn chế của mình.
Ông Phúc bật mí, ông đang đàm phán ký hợp đồng để thuê tổ chức tư vấn nước ngoài sắp xếp lại hệ thống quản trị trong Công ty.
“Quan trọng nhất là người lao động cần gì. Lương cũng quan trọng, nhưng cũng cần sự ghi nhận những gì mà họ cống hiến cho công ty. Trước đây, quy mô công ty ít người, mình còn nắm được, thậm chí biết cả tính cách từng người. Nhưng giờ, Công ty quy mô lớn rồi, nhiều người mình còn không nhớ mặt”, ông trăn trở.
VẬT TƯ HẢI ÂU
KHƠI NGUỒN ĐAM MÊ - SÁNG TẠO CUỘC SỐNG
Bản inNgười gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
|
Đang truy cập: 225 Trong ngày: 233 Trong tuần: 766 Lượt truy cập: 62806177 |