Từ khóa
BULONG - ỐC VÍT DỤNG CỤ ĐIỆN CẦM TAY HÀNG CAO CẤP DỤNG CỤ CẦM TAY DÙNG KHÍ NÉN |
21-09-2019 16:19
Phải lòng những chiếc xúc xích nướng vùng Thuringer nổi tiếng khắp năm châu, Tiến sỹ toán học Mai Huy Tân cùng một đồng sáng lập người Đức đã tìm cách sản xuất sản phẩm này tại Việt Nam. Với ông, 16 năm gây dựng và phát triển Đức Việt là hành trình đầy ý nghĩa, bởi ông đã khẳng định được khả năng của mình.
1. Website của CTCP Thực phẩm Đức Việt được thiết kế bắt mắt, ngay dưới dòng chữ “Thực phẩm Đức Việt vừa ngon vừa lành” là câu chuyện về xúc xích Đức Việt, dù nay đã thuộc về chủ mới.
TS. Mai Huy Tân (sinh năm 1949) được ví là “cha đẻ” của xúc xích Việt. Đầu những năm 1980, sau quá trình học tập và nghiên cứu tại Đức, ông đã phải lòng những chiếc xúc xích vùng Thuringer (Đức) nổi tiếng khắp năm châu.
Đến năm 2000, một tiến sỹ toán học người Việt chưa từng kinh doanh, không được đào tạo về chế biến thực phẩm và một doanh nhân người Đức đang kinh doanh vật liệu xây dựng trong một cuộc trò chuyện cùng nảy ra ý tưởng sản xuất xúc xích nướng vùng Thuringer tại Việt Nam.
Đức Việt - công ty sản xuất xúc xích nhỏ bé là một thực thể sống, rất sống động mà ông Tân cùng doanh nhân người Đức cùng gây dựng vào năm 2000. Không biết sản xuất, nhưng họ biết, thị trường có nhu cầu tiêu dùng và biết nên tìm thầy ở đâu để học hỏi.
Dàn máy móc ban đầu của xưởng được nhập khẩu từ Đức, người bạn từ Đức bỏ ra khoảng 20.000 EUR mua lại từ một xưởng xúc xích tư nhân tại đây, rồi mời cả người hàng xóm là một chuyên gia sang Việt Nam truyền đạt kỹ thuật sản xuất xúc xích cho công nhân Đức Việt. Kết quả, Đức Việt chỉ mất 8 tuần từ khi động thổ đến thời điểm sản xuất mẻ đầu tiên.
“Tôi tính toán, để làm ra 1 tấn xúc xích, thì cần những nguyên vật liệu là gì, rồi lại nhờ bạn tôi chạy sang hàng xóm hỏi. Tôi tính toán giá bán cho xúc xích Đức Việt, rồi viết ra phương thức tiếp thị bán hàng. Sau khi khớp phương án đầu tư và phương án tiếp thị, chúng tôi quyết định đầu tư. Tôi là người dẫn dắt, tính toán và lên kế hoạch. Ông bạn người Đức là người trả lời những câu hỏi của tôi”, ông Tân nhớ lại.
Căn nhà 250 m2 tại trung tâm quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) của gia đình ông Tân được bán một phần phía mặt tiền. Ông thừa kế một phần số tiền này để khởi nghiệp với Đức Việt.
Từ xưởng xúc xích đầu tiên có diện tích 200 m2 với 10 công nhân, sản xuất 100 kg xúc xích/ngày, đến năm 2016, sau 16 năm có mặt trên thị trường, Đức Việt đã khẳng định vị thế là một trong 3 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường Việt Nam về ngành sản xuất xúc xích.
Nhưng, “thuyền to thì sóng cả”, doanh nghiệp khi có tên tuổi và thương hiệu sẽ phải đối mặt với nhiều sóng gió. Từ một doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, phát triển nhanh với tổng tài sản 320 tỷ đồng và doanh thu năm 2015 đạt hơn 600 tỷ đồng, nên nhiều lúc, ông Tân “mệt mỏi và cảm thấy rất khó khăn”.
CEO thức thời là người biết điểm dừng và thời điểm dừng. Năm 2016, sau quá trình thống nhất, Tập đoàn Daesang Corp (Hàn Quốc) chi 710 tỷ đồng (tương đương 32 triệu USD) để mua lại Đức Việt. Hiện nay, Đức Việt vẫn giữ vững vị thế top 3 trong ngành sản xuất xúc xích tại thị trường Việt Nam, với mảng xúc xích tươi chiếm gần 25% thị phần.
Thành công không đến từ một người, mà phải là một đội/nhóm ăn ý. Với ông Tân, Đức Việt là đứa con do chính mình sinh ra và chăm bẵm, nuôi lớn lên cùng các cổ đông như đồng sáng lập người Đức, hay ông Hứa Xuân Sinh, từng là Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Đức Việt. Tất cả đều hài lòng, sau quá trình lao động miệt mài, nghiêm túc, họ đã nhận được thành quả vừa ý khi Daesang gom mua lại cổ phiếu từ các cổ đông.
“Đã qua 3 năm chuyển giao với Daesang, Đức Việt tiếp tục phát triển, giữ được được thương hiệu tốt, vẫn được người tiêu dùng tin tưởng. Thế là mình hạnh phúc”, nhà sáng lập xúc xích Đức Việt trải lòng.
2. Cụm từ “được là chính mình”, “khẳng định mình”, “tự quyết định số phận’… được ông Mai Huy Tân nhiều lần đề cập trong suốt buổi trò chuyện với chúng tôi.
Năm 1986, ông Tân bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường đại học Tổng hợp Martin Luther (Đức) với đề tài “Các phép toán tối ưu ứng dụng trong lập kế hoạch sản xuất xí nghiệp công nghiệp” và được hội đồng khoa học chấm điểm xuất sắc. GS. Lassmann tại Trường đề nghị với Đại sứ quán Việt Nam để ông được làm tiến sĩ khoa học, nhưng không được đồng ý.
Ông Tân phải trở về nước ngay sau đó và nhận công tác tại Trung tâm Thông tin khoa học kỹ thuật (thuộc Bộ Năng lượng, nay là Bộ Công thương) với công việc dịch thuật và chọn lọc thông tin.
Trong suốt thời gian làm việc tại cơ quan nhà nước, ông Tân dường như không được “là chính mình”. Ông tâm sự, lúc nào cũng có khát vọng hiểu biết, làm việc cho xã hội.
Khi đó, khả năng ứng dụng các đề tài khoa học, nhất là liên quan đến toán kinh tếrất khó khăn. Đồng lương công chức hay nhà khoa học như ông thời ấy được quy thành tem phiếu hay sổ gạo cũng không đủ nuôi cả gia đình. Dần dà, trong ông hình thành ý định phải làm gì đó bằng sức lực và trí tuệ của mình để ít nhất có thể tự nuôi bản thân và gia đình. Hơn nữa, đó cũng là cách để chứng minh bản thân có thể tự đứng vững.
Vậy là, sau 30 năm làm việc trong khu vực nhà nước, ở tuổi 51, ông Tân quyết định rời ghế công chức để trở thành chủ doanh nghiệp, trong một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. 16 năm gắn bó với Đức Việt chính là quãng thời gian đầy ý nghĩa trong sự nghiệp cần lao của doanh nhân Mai Huy Tân.
“Tôi hạnh phúc khi tự quyết định số phận của mình, tự gây dựng sự nghiệp từ con số 0”, ông Tân nói.
Thật ra, con số 0 mà ông Tân đề cập chỉ là nghĩa bóng. Bởi khi thành lập Đức Việt, ông đã một tiến sỹ toán học, thành thạo tiếng Đức như ngôn ngữ mẹ đẻ, có uy tín với Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và được trọng dụng qua những lần tư vấn đầu tư cho các công ty của Đức tại Việt Nam, như nhà máy lắp ráp của Mercedes-Benz tại TP.HCM…
Quá trình tư vấn đầu tư, cũng là quá trình học hỏi kinh nghiệm từ các nhà quản lý Đức, đã dẫn ông tới một bước ngoặt mới là trở thành doanh nhân.
TS. Mai Huy Tân có nhiều thành tựu, từ dịch sách, viết và được xuất bản quyển sách về kinh tế thị trường mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng biểu dương, hay xuất bản quyển sách marketing đầu tiên tại Hà Nội bằng tiếng Việt…, nhưng chỉ đến khi sản xuất xúc xích, ông mới hài lòng về bản thân. “Tôi đã khẳng định được mình qua Đức Việt”, ông Tân tự tin.
Suốt quá trình điều hành Đức Việt, ông Tân làm việc trung bình 15 tiếng mỗi ngày, không kể chủ nhật hay ngày lễ. Còn ở tuổi 70 hiện nay, “tôi chỉ làm việc khoảng 4 tiếng mỗi ngày. Tôi còn minh mẫn, nhưng không khoẻ”, ông chia sẻ.
Văn phòng làm việc của ông Tân vẫn ở 33 - Phố Huế (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cũng là ngôi nhà của thế hệ trước để lại, dù đã được bán đi một phần hồi năm 2000. Giọng ông Tân vẫn vang lên tại đây mỗi ngày, khi đọc email trả lời công việc và một nhân viên sẽ gõ bàn phím để nhập lại những gì ông nói.
Năm ngoái, ông suýt bị nhồi máu cơ tim. Nhiều người nói rằng, ông suy giảm sức khỏe là bởi đã lao vào làm việc quá sức với “đứa con” Đức Việt.
“Tôi không hối tiếc chuyện đã qua, mà giờ phải giữ gìn sức khỏe”, ông tâm sự. Hàng ngày, trước và sau khi đi làm, ông đều bơi vài vòng. Mỗi tối, ông thường nghe nhạc cổ điển, đọc tin tức, cập nhật thông tin về khoa học công nghệ trong lĩnh vực tái chế rác thải mà ông đang tham gia một số dự án.
“Trời không cho ai mọi thứ, nhưng còn sức khoẻ ở mức độ nào, tôi sẽ làm ngần ấy. Tôi không khoe mình là đại gia, nhưng tôi không nghèo”, ông Tân nói về việc được nhiều người gọi là “vị khách trăm tỷ” khi đầu tư vào tổ hợp giải trí Cocobay Đà Nẵng. Đây là một trong số các dự án mà ông đang đầu tư và đặt niềm tin vào ngành công nghiệp không khói sẽ tạo động lực phát triển cho kinh tế Việt Nam.
VẬT TƯ HẢI ÂU
KHƠI NGUỒN ĐAM MÊ - SÁNG TẠO CUỘC SỐNG
Bản inNgười gửi / điện thoại
|
Đang truy cập: 282 Trong ngày: 417 Trong tuần: 949 Lượt truy cập: 62806684 |