Từ khóa
BULONG - ỐC VÍT DỤNG CỤ ĐIỆN CẦM TAY HÀNG CAO CẤP DỤNG CỤ CẦM TAY DÙNG KHÍ NÉN |
05-09-2019 14:11
Quỷ Cốc Tử là một người tu Đạo thời Xuân Thu Chiến Quốc, ông tu ẩn dật một mình trong Quỷ Cốc vì thế mọi người thường gọi ông là Quỷ Cốc tiên sinh. Ông tự nhận mình là đệ tử của Lão Tử.
Với 72 kế sách tinh thâm của ông, bạn có thể cất giữ và học tập cả đời cũng không thể hết, ví dụ như: Trong tĩnh có động, trong động có tĩnh. “Biến sinh ra sự; Sự sinh mưu; Mưu sinh kế; Kế sinh nghị; Nghị sinh thuyết; Thuyết sinh tiến; Tiến sinh thoái; Thoái sinh chế (chế ngự sự việc).
Dưới đây là phiên bản đầy đủ 72 kế sách của ông:
Kế thứ 1: Dương mưu – Âm mưu
“Mưu kế trí lược, mỗi cái đều có hình dạng của nó: hoặc vuông hoặc tròn, hoặc âm hoặc dương”.
Mưu kế có âm mưu và dương mưu, trong bất kỳ tình huống nào, người ta đều không được coi thường đối phương. Bởi vì sự việc, có những việc giả dối mà đối phương cố ý tạo ra. Tình báo cũng có tình báo giả. Cho nên thánh nhân phải làm cho đối phương không thể dò biết được thực hư.
Âm mưu ở đây không phải là thứ thủ đoạn của bọn tiểu nhân, mà là âm mưu của thánh nhân.
Mưu việc ở âm mà thành sự ở dương. Mục đích là làm cho dân giàu nước mạnh.
Cho nên Quỷ cốc tử lại nói: Thánh nhân mưu ở âm nên gọi là Thần, thành ở dương nên gọị là Minh, chủ sự thành tức là tích đức vậy.
Kế thứ 2: Xoay chuyển Càn khôn
“Giữ vững ý chí, tinh thần thì sẽ có uy lực. Có uy lực ắt bên trong mạnh, bên trong mạnh thì không ai địch nổi”.
Quỷ cốc tử cho rằng: Khi tình thế bất lợi cho ta, ta phải dùng trăm phương ngàn kế để hàm dưỡng sức mạng tinh thần, và chỉ khi nào sức mạnh tinh thần của ta hùng hậu thì mới có thể xoay chuyển Càn Khôn.
Kế thứ 3: Đánh bại lần lượt
“Phân tán được uy thế của đối phương thì ta mạnh như thần”.
Muốn phân tán uy lực của đối phương thì ta phải phục sẵn, chờ cơ hội xuất hiện mà lần lượt đánh bại đối phương.
Kế thứ 4: Ứng biến thần tình
“Tiến thoái xoay trở, xuất quỷ nhập thần khiến người không biết đâu mà lần”.
Khi tác chiến ta phải tùy cơ ứng biến không nên cố định, xoay chuyển tùy ý muốn, khiến cho đối phương không đoán biết được.
Kế thứ 5: Giành hết thiên cơ
“Thánh nhân ở giữa trời đất: Lập thân, tạo nghiệp, lên tiếng, tuyên truyền đều phải quan sát tượng trời để chớp đúng thời cơ”.
Một người cao minh, trước sự biến đổi mau lẹ của sự vật, sẽ biết nắm lấy thời cơ, vận hội một cách kịp thời mà thực thi, hoặc điều chỉnh kế hoạch của mình.
Kế thứ 6: Họa phúc tùy lời
“Lời lẽ của Thánh nhân rất huyền diệu, có thể chuyển nguy thành an, cứu cả mạng sống”.
Thế gian có câu: “Một lời nói ra, ngựa giỏi chẳng đuổi kịp.” Hàn Phi Tử nói: “Cái tâm của kẻ vô mưu, lời lẽ của kẻ có mưu: đều là nguy”. Ngụ ý rằng người ta phải thận trọng trong lời ăn tiếng nói.
Ngôn ngữ là tiếng lòng, là biểu hiệu tư tưởng.
Tục ngữ Trung quốc có câu: “Muốn biết việc trong bụng, hãy nghe lời cửa miệng, họa phúc là tùy ở lời nói vậy”.
Kế thứ 7: Chúng bất địch quả
Quỷ cốc tử nói: “Xuân sinh; Hạ trưởng; Thu thu; Đông tàng. Đạo trời là vậy, chẳng thể làm trái.” Lại nói: “Làm trái, dù thịnh ắt suy”.
Trời đất có 4 mùa thay đổi, nhân sự cũng có quy luật biến hóa của nó, mỗi người nếu có hành động trái ngược với quy luật phát triển của sự vật, thì dù thế lực lớn mạnh đến mấy cuối cùng cũng sẽ thất bại.
Một người, nếu hành động đúng theo quy luật phát triển của sự vật, thì dù hiện thời còn đơn thương độc mã, nhưng rồi vẫn có thể lấy ít thắng nhiều.
Kế thứ 8: Trăm phương ngàn kế
“Vạn sự trên thế gian biến hóa vô cùng, tình hình lúc thế này khi thế khác. Người đời cũng trăm phương ngàn kế.” Một vị chủ soái ắt hẳn cũng phải nắm vững nhiều loại mưu kế để ứng phó với tình huống không ngừng thay đổi.
Kế thứ 9: Thiên địa vô thường
“Trời đất luôn thay đổi há có gì trường cửu”.
Một cái lý chung xuyên suốt giữa trời và người. Khi trời luôn đổi, nhân sự làm sao bất biến. Một người chỉ một mực theo đuổi truyền thống mà không chịu đổi mới, ắt sẽ bị lạc hậu so với thời cuộc.
Kế thứ 10: Thay cũ đổi mới
“Uốn lượn thì toàn vẹn, cong ắt sẽ qua, đầy ắt sẽ tràn, rách nát sẽ đổi mới, ít rồi đủ, nhiều ắt giảm”.
Thay cũ đổi mới là quy luật phát triển của vạn vật trong vũ trụ . Song sáng tạo cái mới bao giờ cũng dựa trên cơ sở truyền thống sẵn có. Không kế thừa truyền thống thì đừng nói gì đến sáng tạo cái mới.
Phải hiểu thấu đáo truyền thống mới có thể tiếp nhận tinh hoa và gạt bỏ cặn bã, từ đó mà phát huy thêm tinh hoa của truyền thống.
Kế thứ 11: Nhìn xa trông rộng
“Bậc đại trí dùng cái mà mọi người không hay biết, cũng dùng cái mà mọi người không nhìn thấy”.
Cái mà mọi người không hay biết, không nhìn thấy thì chỉ có bậc đại trí mới thấy rõ. Như vậy gọi là “biết nhìn xa trông rộng”.
Kế thứ 12: Xử lý linh hoạt
“Lợi hay thiệt, được hay mất, nhiều hay ít… đều dùng âm dương chế ngự. Dương động mà vận hành, âm tĩnh mà thu tàng. Dương động mà hiện ra, âm theo mà nhập vào. Dương cực sinh âm, âm cực sinh dương”.
Vạn vật trong thiên hạ luôn luôn thay đổi. Khí hậu có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông luôn đổi thay. Đời người có sống chết, đủ thấy biến đổi là quy luật phát triển của vạn vật. Ta phải linh hoạt chứ không máy móc xử lý mọi việc mới có thể: “Thắng không kiêu, bại không nản”.
Kế thứ 13: Mưu thâm thích hợp
“Phàm theo hay bỏ, thuận hay nghịch phải tùy theo hoàn cảnh. Hợp ở mưu ắt thành ở sự, bỏ ta theo người hay bỏ người theo ta: ấy là do mưu thuật có toàn vẹn hay không?
Dùng thiên hạ có mưu kế này, dùng một nước có mưu kế khác, dùng một phái có mưu kế nọ, dùng một người có cách dùng riêng. Lớn nhỏ tiến thoái… đều có cách thích hợp.
Xưa nay, kẻ giỏi xoay trở: theo hay bỏ, giúp được 4 biển, chi phối được chư hầu đều trải qua lắm phen chuyển hóa, theo hay bỏ, mới tìm ra chỗ thích hợp.
Cho nên Y Doãn mấy bận theo vua Thang, mấy bận theo vua Kiệt, cuối cùng mới theo vua Thang.
Lã Vọng 3 lần theo Văn Vương, 3 lần nhập điện vẫn chưa thật rõ. Cuối cùng mới hợp với Văn Vương.”
Kế thứ 14: Hành động bí mật
“Đạo âm của Thánh hiền, đạo dương của kẻ ngu, đạo của Thánh nhân ẩn giấu rất kỹ”.
Tướng soái khôn ngoan thường tạo nên những cái giả để mê hoặc đối phương, ngấm ngầm hành động để giáng cho đối phương những đòn trí mạng.
Kế thứ 15: Đột phá điểm yếu
“Từ ngoài chế ngự bên trong, sự việc có điểm cốt lõi phải nhắm vào đó”.
Muốn khống chế nội tâm kẻ khác thì phải nắm chắc: đâu là điểm mấu chốt, đâu là chỗ yếu để mà chĩa mũi nhọn vào đó.
Kế thứ 16: Nhỏ mà thấy lớn
“Quan sát sự việc, luận về vạn sự, chớ tranh hơn thua. Phải biết nhìn: cái tuy nhỏ nhưng mà nhìn thấy nó lớn lao”.
Người thông minh chỉ căn cứ vào triệu chứng nhỏ bé mà biết nó tiềm ẩn sự kiện trọng đại.
Kế thứ 17: Đổi vai chủ – khách
“Mạnh tích tụ từ yếu, có tích tụ từ không. Yếu muốn thắng mạnh, mềm muốn thắng cứng thì phải tích yếu, tích mềm.”
So sánh thế giữa chủ và khách để đổi vai chủ khách.
Đó cả là một nghệ thuật.
Kế thứ 18: Chiêu nạp người hàng
“Cự tuyệt là bịt kín lối vào, đề phòng quá kỹ thì chẳng ai theo”.
Một vị chủ soái thông minh thì phải có khí phách của một chính trị gia vĩ đại, sẵn sàng chiêu nạp những ai muốn chạy về phía mình.
Kế thứ 19: Ứng địch hành động
“Tuy động mà ứng, việc gì cũng xong.” Ứng nghĩa là chuyển động sau người, bất đắc dĩ mới động. “Ứng” đây không phải là thái độ tiêu cực, bất đề kháng, mà là dùng “vô vi” để đạt tới cảnh giới “vô bất vi”.
Một cá nhân, nếu ở đâu cũng hiếu thắng, tranh giành hơn thua: thì thể lực và tinh thần sẽ bị hao tổn rất nhanh, tuổi thọ sẽ chẳng được lâu bền.
Ngược lại, nếu hiểu rõ lẽ “ứng địch nhi động” thì sẽ không vọng động một cách khinh xuất. Mà không ngừng rèn luyện thể lực và ý chí một cách nghiêm túc, cho đến khi hoàn toàn có khả năng thắng địch thì mới hành động. Không làm thì thôi, mà đã ra tay thì không có gì cản nổi, đã đánh là thắng.
Kế thứ 20: Tam giáo cửu lưu
“Tìm kiếm nhân tài, phải tìm khắp xa gần. Phải có người tài về từng phương diện để khi cần thì ta có thể xử dụng.” Một người muốn dựng nghiệp lớn thì phải chiêu nạp nhiều tài năng.
Tử Nghiêm là người nước Trịnh rất biết chọn và dùng người. Công Tôn Huy am hiểu tình hình 4 nước. Tỳ Thâm thì giỏi bày mưu. Phùng Giản Tử có tài phán đoán mọi sự. Tử Đại Thúc thì văn hay chữ tốt.
Gặp sự việc liên quan giữa các nước. Tử Nghiêm hỏi Công Tôn Huy, sau đó bàn mưu tính kế với Tỳ Thâm, đoạn để Phùng Giản Tử phán đoán mọi khả năng diễn biến của sự việc. Sau khi xong việc bèn để Tử Đại thúc soạn lời văn ứng đối với quan khách các nước.
Kế thứ 21: Bổ dọc chen ngang
Quỷ Cốc Tử nói: “Dùng cách phân tán uy quyền để chuyển quyền”. Người tài giỏi nhất phải biết phá vỡ sự liên minh của các đối thủ phân tán uy lực của chúng mà tăng cường uy thế của mình.
Kế thứ 22: Trói buộc chi phối
“Lập thế tạo thế. Phải quan sát, nghe ngóng, xác định mức độ của người và việc mà định kế an nguy. Xem thiên thời thịnh suy, địa hình rộng hẹp của các quốc gia, tài sản của dân chúng, quan hệ giữa các chư hầu mà dùng thiên hạ. Xem tài năng, khí thế, sức vóc mà dùng người.
Xem cái gì, người nào cần giấu giếm hay phô bày, cần dung nạp hay mời chào. Xem Đông Tây, ngó Nam Bắc. Rồi dùng mọi biện pháp khả dĩ để chi phối, trói buộc một cá nhân, một tập đoàn hay một quốc gia làm theo ý muốn của mình, để họ không thể nào làm khác được.”
Kế thứ 23: Liệu địch như thần
“Ngồi một chỗ mà nắm biết mọi chuyện trong thiên hạ”.
Bậc đại trí có thể qua mọi diễn biến phức tạp, chằng chịt, qua hiện tượng mà nhận biết phương hướng hành động thật sự của đối phương.
Kế thứ 24: Không lừa nổi ai
“Kế sách dù muôn ngàn kiểu, cuối cùng cũng không nằm ngoài tâm lý con người”.
Người thông minh, tỉnh táo, từ triệu chứng nhỏ nhặt tưởng như không đáng kể mà nắm bắt được sự kiện trọng đại để phá vỡ âm mưu của đối phương.
Kế thứ 25: Yếu thắng được mạnh
“Mạnh tích tụ từ yếu, có tích tụ từ không. Đó là cả một nghệ thuật”.
Yếu muốn thắng mạnh, mềm muốn thắng cứng thì phải tích yếu, tích mềm. Yếu và mạnh chỉ là 1 cách nói tương đối. Trong tình huống nhất định, yếu cũng có thể thắng được mạnh.
Kế thứ 26: Biến không thành có
“Thần đạo hỗn thuần vi nhất, dù đạo trời phức tạp đến mấy cũng có thể suy diễn bất tận”.
Bậc quân tử hay thống soái có thể suy luận hàng vạn lý lẽ biến hóa trên thế gian để lý giải các bí ẩn vô cùng vô tận.
Kế thứ 27: Uốn ba tấc lưỡi
“Lời lẽ khôn khéo hay giả dối đều lợi hại khôn tả”.
Người khôn khoan thường lợi dụng ngôn từ để vẽ ra lâu đài trên cát, kích thích người ta hăng hái hay dẫn dụ đối phương mắc lừa.
Muốn được vậy thì phải tô điểm cho thật khéo và nói năng phải thật hùng hồn, đầy sức dẫn dụ và thuyết phục.
Kế thứ 28: Thu phục nhân tâm
“Dùng tâm hệ trọng hơn dùng binh”.
Dùng binh vẫn phải lấy việc dùng tâm làm nguyên tắc cao nhất. Chỉ dùng binh mà không dùng đến tâm thì rất là nguy hiểm. Bởi lẽ dùng binh vốn là để giết địch, nếu ta thất bại thì địch sẽ giết ta. Cho nên dùng binh cũng có thể đem lại hậu quả “tự giết mình”.
Dùng binh hoàn toàn không chỉ giới hạn ở việc dùng mệnh lệnh hay kỷ luật bắt người ta phục tùng, mà còn phải làm cho người ta “tâm phục”. Lòng người đã phục thì dù hành động, động tác có thể chệch choạc, song hết thảy đều đồng lòng như một.
Kế thứ 29: Một công đôi việc
“Vừa lợi cho mình mà cũng lợi cho người, trên hay mà dưới cũng tốt”.
Một mưu kế phải đem lại nhiều hiệu quả thì mới là kế hay, kiểu như một mũi tên mà bắn trúng 2 con chim.
Kế thứ 30: Bốn lạng ngàn cân
“Lượng quyền là gì? Là đo lường lớn nhỏ, xác định nhiều ít”.
Tướng soái thì phải “biết mình biết người” mới có thể dùng sức “bốn lạng mà thắng ngàn cân”.
Thông thường thì 4 lạng có thể bị đè bẹp bởi ngàn cân. Nhưng nếu sức bốn lạng khôn khéo tránh né sức ngàn cân, rồi sau đó giáng đòn thì có thể hoàn toàn thắng ngàn cân.
Kế thứ 31: Ngàn vàng phá địch
“Mọi sự đều có sự cố kết bên trong, có thể dùng tiền tài, nhan sắc để phá vỡ sự cố kết ấy”.
Dùng nhiều tiền để mua chuộc, ly gián nội bộ đối phương có thể thu được thắng lợi mà ở chiến trường không thể nào giành được.
Kế thứ 32: Chủ động quyền biến
“Sự việc quý ở chỗ mình chủ động, nếu để cho người giành được phần chủ động thì hỏng”.
Người chủ động thì mới giành được quyền hành, quyền biến. Đã bị động thì khó mà đạt được thắng lợi. Khi lâm sự phải sáng suốt, cân nhắc lợi hại, bỏ cái lợi nhỏ mà tránh cái hại lớn, nhận cái hại nhỏ để giành cái lợi lớn.
Phép thứ 33: Tuyệt đối bí mật
“Giữ kín mưu đồ thì việc mới thành”.
Một vị thống soái hay tướng lĩnh muốn giành thắng lợi phải tuyệt đối giữ bí mật.
Kế thứ 34: Kích động vua chúa
“Tiếp xúc, phán đoán có nhiều cách: hoặc dùng binh, hoặc dùng chính, hoặc dùng hỷ, hoặc dùng nộ… Dùng nộ là kích động”.
Người khôn ngoan chẳng những dùng lời lẽ để thuyết phục, phân trần, mà còn phải dùng những lời lẽ để kích động, nói khích vua chúa.
Kế thứ 35: Kế sách lâu dài
“Người thông minh thì luôn nhìn cái rất xa để mà kiểm nghiệm”.
Người khôn ngoan thì phải biết nhìn xa trông rộng, sẽ không tham cái lợi nhỏ mà để mất cái lớn, tham cái lợi trước mắt mà quên kế sách lâu dài.
Người có đảm lược thật sự thì biết tính toán sâu xa, chu đáo, không chỉ thấy cái trước mắt, không chấp vào tập quán thông thường.
Kế thứ 36: Biết trước thời thế
“Dự đoán thời thế để quyết định lợi hại, quyền biến”.
Một thống soái hay một tướng lĩnh nắm được thời là điều trọng yếu. Họ phải hành động lặng lẽ một khi hết thảy chưa ai chú ý, đến lúc thời cơ chín muồi là họ ra tay: lập tức làm nên chuyện lớn.
Kế thứ 37: Không đánh vẫn oai
“Người cầm quân không cần lâm trận mà vẫn làm chủ được thiên hạ, thế mới đáng gọi là Thần minh”.
Bậc đại trí không cần hao tổn binh lực vẫn khiến cho đối phương phải bãi binh cầu hòa, thiên hạ nể phục, đủ sánh với Thần minh.
Kế thứ 38: Nắm quyền bá chủ
Chư hầu chống nhau nhiều không kể xiết. Khi quốc gia buớc vào thời điểm sinh tử tồn vong. Bậc vĩ nhân xuất chúng phải xuất đầu lộ diện nắm lấy cơ hội kiến lập nghiệp vương bá.
Kế thứ 39: Thay thù thành bạn
“Trên đời không có gì quý mãi, không có ai làm thống soái vĩnh viễn”.
Thế sự biến hóa vô cùng, hôm nay họ là kẻ thù, nhưng ngày mai có thể họ sẽ là bạn của ta, hoặc ngược lại. Đó là cả 1 nghệ thuật chuyển hóa.
Kế thứ 40: Chỉ dẫn do người
“Tình mà hợp thì vật cũng tụ lại với nhau. Đống củi gần lửa lúc khô dễ bén, nước rót xuống chỗ đất bằng, nơi nào ẩm thì nước sẽ dừng lại”.
Lòng người cũng vậy. Một thống soái muốn thuyết phục hay là lợi dụng tướng sĩ của đối phương thì phải làm sao cho họ thấy, họ phải chịu ân huệ của mình.
Kế thứ 41: Chiêu hiền đãi sĩ
“Dùng mưu kế, công không bằng tư, tư không bằng kết, kết sao cho chặt”.
Có nhiều cách kết: có nội kết,ngoại kết, sinh kết, tử kết…
Trương Lương kết thân với Hạng Bá: đó là nội kết.
Trương Nghi – Tô Tần: ấy là ngoại kết.
Lấy đức và ân huệ đãi người, mưu phúc cho dân, mưu lợi cho nước: ấy là sinh kết.
Tuyên dương người đã hy sinh, an ủi người nhà bạn bè của họ: ấy là tử kết.
Kế thứ 42: Áp đặt chủ quan
“Chớ áp đặt sở thích của mình cho người”.
Cái mình thích có thể người ta không thích, cái mình ghét có thể người ta lại ưa. Chớ nên suy bụng ta ra bụng người. Cùng một sự việc nhưng hai người nhìn nhận lại khác nhau: kẻ cho là lợi, người cho là hại.
Nếu chủ quan áp đặt dễ phạm sai lầm, gây hậu quả đáng tiếc.
Kế thứ 43: Mâu thuẫn thống nhất
“Cao mà hóa thấp – lấy mà hóa cho – mất mà hóa được”.
Sự vật bao giờ cũng có 2 mặt đối lập nhau, có những việc bề ngoài tưởng chừng như bất lợi đối với ta, nhưng thực chất lại hàm chứa ích lợi to lớn đối với ta.
Kế thứ 44: Thủ trước công sau
“Đối phương hùng mạnh thì ta tạm lui chờ thời chuyển biến”.
Một quốc gia, một quân đội hùng mạnh cũng có lúc phải sơ hở, suy yếu.
Một quốc gia với một quân đội suy yếu, nếu biết tích lũy thực lực, nín lặng chờ thời thì có thể trở nên hùng mạnh. Bấy giờ có thể chuyển từ thế thủ sang công.
Kế thứ 45: Kiên tâm bền chí
“Anh hùng có lúc cũng sa cơ. Khốn tới cùng ắt biến”.
Người có chí lớn thật sự gặp bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng kiên trì theo đuổi mục đích của mình, có thể chịu đựng, nếm trải những nỗi đau khổ mà người đời không mấy ai chịu nổi.
Chỉ như thế mới có thể tạo nên sự nghiệp lớn lao.
Kế thứ 46: Lấy tĩnh chế động
“Trong thiên hạ: con cái thường hay lấy tĩnh để thắng con đực, con cái lấy tĩnh nên ở dưới”.
Hoàn cảnh luôn biến động, nhân sự thường có đua tranh hơn kém. Trong cuộc tranh đua phải bình tĩnh thì mới giữ được tỉnh táo, không bị mê loạn về thần trí.
Phàm người cương gặp kẻ cương thì sẽ tranh chấp không ngừng, nhưng gặp người nhu thì sẽ trở nên nhu hòa. Cho nên mới có câu: Lạt mềm buộc chặt.
Kẻ cương rất dễ bộc lộ điểm yếu, ta chỉ cần bình tĩnh quan sát, đợi cho chỗ yếu lộ ra ắt sẽ chế ngự được.
Kế thứ 47 : Quyết giữ chính nghĩa
“Bậc quân tử có chính nghĩa thì mới chiêu mộ được hiền tài”.
Ta phải là chính đạo thì mới thu phục được lòng người theo về.
Kế thứ 48: Đánh vào chỗ yếu
“Người đời có người thích yên tĩnh, có kẻ thích hành động, có người hám danh, có kẻ hám lợi, có người chính trực, có kẻ xiểm nịnh, có người thích sáng sủa, có kẻ ưa tăm tối”.
Người khôn ngoan thì phải hiểu rõ điểm yếu của đối phương để mà đánh vào đó.
Kế thứ 49: Ghi công quên lỗi
“Bậc trí giả không dùng sở đoản, mà dùng sở trường của người ngu. Không chú ý đến lỗi lầm mà sử dụng công lao của họ cho nên không gặp khó khăn”.
Bậc quân tử đối với quần thần phải khoan dung độ lượng như thế, quần thần mới cảm kích mà trung thành đền đáp.
Kế thứ 50: Hạ chiếu cầu hiền
“Thánh nhân dùng vô vi đãi người có đức”.
Bậc Thánh minh phải nghĩ mọi cách, phải dùng lời lẽ thế nào để thu phục người hiền tài, đức độ”.
Kế thứ 51: Lưu danh muôn thuở
“Bậc hiền sĩ dù đã qua đời, vẫn được mọi người nhắc đến như có tình sâu nghĩa nặng”.
Có những kẻ sống trên đời chỉ biết tranh danh đoạt lợi, tàn sát hung hãn như mãnh thú. Có kẻ đạt được danh lợi thì kiêu căng tự mãn, bị tiền của và nữ sắc làm mê muội tâm trí, dù có sung sướng hưởng lạc vài chục năm nhưng khi chết đi sẽ để lại tiếng xấu ngàn thu.
Kế thứ 52: Thoái binh chế binh
“Có thuật lui binh, có phép chế binh”.
Ngụ ý là một người bình tĩnh, thận trọng, luôn làm điều thiện, đức độ cao cả, thì dù một thân một mình đi vào hang ổ đối phương, cũng có thể làm cho đối phương phải kính nể không dám tàn hại. Một người như vậy thì nơi nào cũng là đất sống, không có gì đáng gọi là hiểm nguy.
Kế thứ 53: Đại hiền vô địch
”Người giỏi quyền biến là người: trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, sai khiến quỷ thần, tùy thời tiết từng mùa mà biến hóa, khiến cho vạn vật trong thiên hạ phải phục vụ cho mình”.
Kế thứ 54: Tiến công nước – người
“Chế ngự người thì nắm được quyền. Đồng thời với việc tiến công nước địch phải chế ngự được người của địch”.
Kế thứ 55: Giữ thế cân bằng
“Ít rồi sẽ nhiều, thiếu rồi sẽ đủ”.
Vạn vật trên đời vừa đối lập vừa thống nhất. Lão Tử cũng nói: “Đạo trời giống như chỗ cao thì dựa vào chỗ thấp, chỗ thừa thì bù vào chỗ thiếu”. Giữ cho cân bằng, hài hòa là điều tối cần thiết.
Kế thứ 56: Ẩn náu chờ thời
“Dụng chi hữu đạo, dụng chi tất ẩn”.
Lại nói: “Có Đạo của Tiên Vương, có mưu của Thánh Trí, thảy đều không lộ liễu”.
Người thông tuệ thường thường ít bộc lộ sở trường của mình ở tất cả mọi nơi, mà luôn luôn nhường nhịn người khác. Nhưng sự ẩn giấu này chỉ là để chờ thời cơ chín muồi sẽ hiển lộ.
Kế thứ 57: Sử dụng nội gián
“Con Gấu trước khi vồ mồi thường giấu mình rồi mới xông ra. Muốn hành động thì trước tiên hãy dùng nội gián”.
Người khôn ngoan chẳng những giỏi dùng binh trên chiến trường, mà còn biết cài gián điệp vào hàng ngũ của đối phương để hoạt động.
Kế thứ 58: Uốn nắn sửa sang
“Thánh nhân vừa thấy cong bèn uốn nắn lại cho thẳng, tùy mức độ lệch lạc mà có cách trị thích đáng”.
Khi nền quốc gia xuất hiện nguy cơ, phải dùng quốc pháp bổ cứu. Nếu nguy cơ thực sự nghiêm trọng, tất phải dùng hình pháp nghiêm khắc để xử lý.
Kế thứ 59: Lùi để tiến tới
“Người giỏi dùng thiên hạ xưa nay tất phải lượng định quyền trong thiên hạ, phải phân biệt nặng nhẹ, mạnh yếu”.
Bậc hiền minh thường tránh kẻ mạnh, tạm lùi để tìm cách tiến công.
Kế thứ 60: Cho rồi mới lấy
“Muốn chiếm lĩnh được gì của đối phương thì trước hết phải đáp ứng phần nào ý muốn của đối phương, rồi mới lấy được cái mình cần”.
Kế thứ 61: Quan sát gián tiếp
“Thẩm định hư thực, căn cứ vào thị hiếu mà biết ý chí”.
Muốn xem xét một người, ta hãy chú ý xem thường ngày họ bộc lộ ý thích gì để mà phán đoán tình hình.
Kế thứ 62: Đánh rắn dập đầu
“Kẻ mạnh khi chiến thắng thường choáng váng vì thắng lợi, không tấn công giành thắng lợi trọn vẹn, sớm thỏa mãn thì sẽ chuốc lấy tai họa”.
Kẻ yếu bị thất bại, nếu biết bình tĩnh suy xét rút ra bài học, phục hồi lực lượng, thì có thể lật ngược thế cờ.
Kế thứ 63: Chủ quan hại mình
“Hợp mà không kết, dương thân mà âm sơ: sự chẳng thành”.
Có những việc tưởng chừng vô cùng thuận lợi, thực ra hết sức khó khăn. Phải đi sâu vào cuộc sống, nghiên cứu điều tra nắm chắc thực tế, mới không phạm sai lầm chủ quan, đã làm hại cho mình, còn hại cả cho người.
Kế thứ 64: Dẫn dụ đối phương
“Những điều dẫn dụ của thánh nhân: kẻ ngu lẫn kẻ trí đều không nghi hoặc”.
Bậc đại trí có thể khôn khéo dẫn dụ được hết thảy mọi người mà đối phương không hề hay biết.
Kế thứ 65: Lợi dụng kẻ địch
“Thả mồi sâu bắt cá lớn”.
Bậc đại trí không những chỉ biết sử dụng những người hiền tài ở phe mình, mà còn biết lợi dụng những khe hở, những mâu thuẫn trong nội bộ đối phương mà sử dụng người của đối phương phục vụ lợi ích cho mình.
Kế thứ 66: Một cây thành rừng
“Đơn thương độc mã vẫn có thể ra vào tùy ý không ai ngăn nổi”.
Đông người vẫn chưa chắc là đã giành phần thắng. Một bàn tay cũng có thể tạo nên tiếng vỗ: chỉ cần chân lý thuộc về ta, thì ta vẫn thành vô địch trong thiên hạ.
Kế thứ 67: Tương quan lợi hại
“Dùng lời lẽ để thuyết phục đối phương nhận ra điều phải trái”.
Muốn cho đối phương hành động làm theo ý mình thì ta phải biết khôn khéo thuyết phục, chỉ rõ điều lợi hại.
Kế thứ 68: Hình dung có địch
“Nghĩ rằng có địch để mình nỗ lực”.
Muốn lập nên sự nghiệp lớn, phải biết hình dung những thế lực lớn mạnh ngăn cản bước tiến của mình, từ đó mà ta cố gắng không ngừng để vươn tới mục đích.
Kế thứ 69: Học hỏi kẻ thù
“Muốn chiến thắng thì phải biết học hỏi ở tất cả mọi người”.
Bậc đại trí khi mưu nghiệp lớn chẳng những học hỏi ở những bậc tiên hiền, mà còn học hỏi những cái hay của chính kẻ thù.
Kế thứ 70: Nói mãi phải tin
“Lời nói của số đông có thể biến không thành có”.
Nếu giỏi tung tin thì có thể đánh lạc hướng đối phương.
Kế thứ 71: Luồn sau leo cao
“Phái gián điệp luồn sâu vào đầu não đối phương mà hành động, có thể dành thắng lợi lớn lao bất ngờ”.
Nếu gián điệp của ta mà len lõi sâu vào bộ chỉ huy của địch thì thắng lợi gần như cầm chắc.
Kế thứ 72: Không màng danh lợi
“Bậc Chân nhân hợp với đạo trời”.
Một người kinh qua tu luyện lâu dài đạt tới cảnh giới thoát tục thì gọi là “Chân nhân”.
Người ta khi sinh ra ban đầu không khác nhau là mấy, ai cũng mang đầy đủ bản tính lương thiện. Chỉ sau đó do môi trường, hoàn cảnh khác nhau, do sự tu luyện nhiều hay ít mà thành ra những hạng người khác nhau.
Người nào chìm đắm trong danh lợi ắt chuốc lấy họa sát thân.
Người nào không màng danh lợi thì sẽ thanh thản, vui vẻ.
VẬT TƯ HẢI ÂU
KHƠI NGUỒN ĐAM MÊ - SÁNG TẠO CUỘC SỐNG
Bản inNgười gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
|
Đang truy cập: 41 Trong ngày: 123 Trong tuần: 690 Lượt truy cập: 62858088 |