Mỗi ngày, chị Trần Thanh Vân lại phóng xe gần 10 km để đến làm việc tại nhà máy điện mặt trời, vừa được khánh thành trên vùng đất làng Quán Thẻ, xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Công việc chính của người phụ nữ 34 tuổi, dáng vẻ gầy gò nhưng rắn rỏi là dọn dẹp các con đường sắp được trải bê tông xung quanh và bên trong nhà máy BIM 2, đồng thời chuẩn bị cho công cuộc “hoa giấy hóa” dọc những con đường này.
Cùng với khoảng 200 công nhân khác, đa phần là nhân lực địa phương, chị Vân được tập đoàn kinh tế đa ngành BIM Group tuyển dụng trong quá trình khởi công và xây dựng nhà máy điện mặt trời từ tháng 1/2018.
Các công nhân làm việc, lắp đặt nhà máy bất kể thời tiết nắng mưa. |
“Ban đầu chúng tôi cũng có nhiều nghi ngờ về dự án”, chị Vân thành thật trả lời. “Trước đây, từng có nhiều doanh nghiệp đến Ninh Thuận đặt vấn đề đầu tư xây dựng công trình nọ, dự án kia, nhưng rồi đều ra đi không kèn không trống. Bởi vậy, khi tập đoàn BIM giới thiệu dự án 3 nhà máy điện mặt trời trị giá tới 7.000 tỷ đồng, người dân hầu hết không tin tưởng họ sẽ làm được”, chị Vân nói thêm.
Vậy mà chỉ trong hơn một năm, kể từ thời điểm khởi công đầu năm 2018 đến nay, 3 nhà máy điện mặt trời BIM 1 (30 MWP), BIM 2 (250 MWP), BIM 3 (50 MWP) đã hoàn tất nghi thức đóng điện và hòa lưới điện quốc gia trong tháng 4. Với một triệu tấm pin năng lượng mặt trời, đây là cụm nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á.
Là tỉnh ven biển duyên hải Nam Trung Bộ, thuộc vùng có nhiệt độ cao, cường độ bức xạ lớn, nên nắng gió ở Ninh Thuận cũng bắt đầu sớm và gay gắt cả ngày, rất phù hợp cho ngành sản xuất muối, điện mặt trời và điện gió.
Cụm nhà máy điện mặt trời được đặt trong khu vực không xa khu dân cư, nhưng muốn đi vào bằng ôtô vẫn phải mất 15 phút, hai bên đường là hoang mạc khô cằn, hầu như chỉ thấy sự hiện diện của các bụi cây xương rồng và những đàn cừu được chăn thả tự do.
Không ồn ào và đòi hỏi những công trình khổng lồ, phức tạp như thủy điện hay nhiệt điện, trong cụm nhà máy điện mặt trời BIM thậm chí không có một dãy nhà nào xây đến hai tầng. Những thứ “cao” nhất là các cột, trụ điện và đài quan sát. Vào giữa trưa, khi mặt trời ở đỉnh và công nhân đang trong giờ nghỉ, khách tham quan có thể nghe thấy tiếng rè rè của điện áp trên các cột kim loại, hòa lẫn với tiếng bước chân trên sỏi của công nhân, hay tiếng đàn cừu kiếm ăn nơi bãi đất hoang phía bên kia hàng rào.
Hàng nghìn dãy pin năng lượng mặt trời lặng lẽ trải dài khắp khu đất rộng mênh mông, tiếp nhận thứ ánh sáng từ cách đó 149,6 triệu km, và chuyển hóa thành 600 triệu Kwh điện năng hòa vào lưới điện quốc gia, phục vụ 200.000 hộ gia đình mỗi năm.
Mảnh đất khô cằn, đầy nắng gió của Ninh Thuận trở thành nhà máy điện năng lượng mặt trời phục vụ kinh tế. |
“Ở khu vực này, nếu không xây dựng nhà máy điện mặt trời thì cũng chẳng biết làm gì”, anh Đàm Văn Thuận, phụ phiên ca 2 tại trạm máy biến áp BIM 2 cảm thán. Người đàn ông trong bộ đồng phục da cam đang kiểm tra lại các cột trụ điện trong ca làm việc từ 14h đến 22h của mình. Anh Thuận cũng là một nhân lực địa phương, làm công việc theo dõi thông số thiết bị ngoài và trong trạm như nhiệt độ biến áp, dây cuộn cao, cuộn hạ, các thiết bị dao cắt ly, máy cắt…
Từ nhiều ngày nay, tiến độ làm việc của anh chị em công nhân được đẩy lên cao để kịp hoàn thành các hạng mục cảnh quan, đường đi của cụm nhà máy điện. “Mặc dù đã hòa lưới điện quốc gia và tổ chức khánh thành, chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm”, một cán bộ thuộc phòng vận hành cho biết.
Với những con đường vẫn ngổn ngang sỏi đá, các cán bộ và công nhân tỏ ra rất tham vọng biến nơi đây thành một địa điểm hấp dẫn du lịch, chứ không chỉ đơn thuần là một nhà máy, nhà xưởng khô khan - “chẳng có gì ngoài mấy tấm pin năng lượng và đống cỏ dại”.
Đây cũng là chủ trương của các lãnh đạo BIM Group, vốn là một tập đoàn đa lĩnh vực, trong đó có phát triển du lịch. Ông Đoàn Quốc Huy - Phó chủ tịch HĐQT BIM Group, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo BIM Energy, tiết lộ: “Chúng tôi đang cho trồng hoa giấy ở tất cả con đường vào nhà máy một cách quy củ và bài bản, đồng thời đầu tư thêm nhiều chòi quan sát cao hơn để khách tham quan có cái nhìn bao quát cả khu nhà máy, cũng như giúp các bạn trẻ có thêm địa điểm check-in".
"Chúng tôi hy vọng cụm 3 nhà máy điện mặt trời sẽ trở thành một địa điểm hút khách du lịch đến Ninh Thuận trong tương lai gần. Thậm chí, các trường học hoàn toàn có thể đưa học sinh, sinh viên đến đây nghiên cứu và học tập trong các buổi ngoại khóa”, ông Huy nói thêm.
Đầu năm 2020, BIM sẽ khởi công xây dựng một dự án nghỉ dưỡng ở Ninh Thuận, góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh. Vị Phó chủ tịch tỏ ra rất tự tin, bởi tập đoàn vốn đã có kinh nghiệm thúc đẩy du lịch khá thành công với Quảng Ninh, Kiên Giang trước đây.
Dự án nhà máy điện mặt trời với công suất 330 MWP là một sự hợp tác giữa BIM Energy và AC Energy - thuộc Ayala, một trong những tập đoàn lớn của Philippines.
Trong đó, BIM Energy đang định hướng trở thành nhà đầu tư tiên phong về năng lượng tái tạo tại Việt Nam, AC Energy là một trong những công ty năng lượng phát triển nhanh nhất với hơn 2 tỷ đôla vốn đầu tư về năng lượng tái tạo, nhiệt tại Philippines và khu vực, tới năm 2025. Liên doanh BIM/AC Renewable không chỉ giúp BIM Energy nâng cao uy tín, mà còn mở rộng quy mô lĩnh vực kinh doanh năng lượng.
Ông Patrice Clausse - CEO AC Energy tự hào tiết lộ cụm 3 nhà máy điện mặt trời Ninh Thuận là dự án điện mặt trời lớn nhất mà tập đoàn này từng đồng chủ đầu tư khi ra thị trường quốc tế. “Việt Nam là điểm đến tiềm năng và quan trọng của chúng tôi trong mảng phát triển năng lượng tái tạo. Việc hợp tác với tập đoàn BIM Group thực sự là bước tiến chiến lược tại thị trường này", vị chủ tịch cho biết.
Ông Đoàn Quốc Huy tiết lộ tập đoàn đã tìm hiểu nhiều đối tác khác, nhưng cuối cùng quyết định chọn hợp tác với AC Energy, bởi đây là đơn vị có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Quan trọng hơn, hai tập đoàn đều có văn hóa doanh nghiệp tương đồng - mong muốn đầu tư phát triển bền vững. “Khi bạn phải triển khai một dự án cần sự nhanh chóng như thế này, việc hợp tác với một đối tác đã thấu hiểu nhau sẽ giúp công việc tiến triển nhanh hơn rất nhiều”, ông Huy phân tích.
Sự hợp tác giữa một tập đoàn đa ngành có thế mạnh, kinh nghiệm phát triển tại Ninh Thuận, và một tên tuổi lớn trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực điện mặt trời được coi là bước đi đứng đắn của BIM Group. Đặc biệt là trong bối cảnh ngành điện Việt Nam hiện tại, khi nguồn điện truyền thống đã không còn cơ sở để phát triển tiếp: Điện than đã bị hạn chế do yếu tố môi trường và cạn kiệt khoáng sản; điện nguyên tử không được làm; thủy điện bị thu hẹp; chỉ còn năng lượng tái tạo là hứa hẹn bùng nổ trong tương lai.
Tham dự buổi khánh thành có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, các quan chức tỉnh Ninh Thuận, cán bộ ban ngành và những người đứng đầu của hai tập đoàn. |
“BIM Group định hướng trở thành nhà đầu tư tiên phong hàng đầu về năng lượng tái tạo tại Việt Nam, hướng đến năm 2022, tổng công suất năng lượng sạch do BIM Energy cung cấp sẽ đạt tổng quy mô 1.000 MWP điện mặt trời và điện gió. Việc khánh thành cùng lúc cụm 3 nhà máy có công suất lớn nhất trong thời gian ngắn là minh chứng cho cam kết đầu tư lâu dài của BIM Group vào năng lượng sạch. Chúng tôi mong muốn góp phần và chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ an ninh năng lượng quốc gia, xây dựng nguồn năng lượng bền vững cho tương lai đất nước”, Phó chủ tịch BIM phát biểu tại buổi khai trương cụm nhà máy.
Khi được hỏi Ninh Thuận sẽ được hưởng lợi gì nhà máy điện mặt trời, đại diện liên doanh BIM/AC Renewables nhắc ngay đến yếu tố bảo vệ môi trường, với việc góp phần giảm gần 304.400 tấn CO2 thải ra mỗi năm.
Lợi ích tiếp theo gắn chặt với lợi ích kinh tế của địa phương và người dân. Theo đó, dự án khi đưa vào vận hành sẽ tạo ra doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước (GDP của tỉnh Ninh Thuận đều tăng trưởng 10% cả năm ngoái và năm nay).
Người dân địa phương sẽ được tạo thêm nhiều công ăn việc làm, khi BIM Group cam kết tuyển dụng 2.000 công nhân viên trong thời gian 9 tháng. Sau khi nhà máy đã đi vào vận hành ổn định, tập đoàn sẽ có các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội lâu dài cho công nhân viên nói riêng và tỉnh Ninh Thuận nói chung.
Không chỉ điện mặt trời, BIM Group đã có kế hoạch xây dựng dự án điện gió với tổng công suất 320 MWP trong năm nay, dự kiến khởi công và hòa lưới điện trước tháng 11/2021. Với những dự án năng lượng liên tiếp được ra mắt, Ninh Thuận hứa hẹn tạo dấu ấn du lịch bằng các công trình mới mẻ, gây được sự chú ý của những du khách muốn hiểu thêm về cánh đồng điện gió, điện mặt trời, vốn chỉ có trong phim ảnh nước ngoài.
Khi đã tạo ra được một hệ sinh thái đầy đủ giữa kinh tế và du lịch, Ninh Thuận sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, từ đó phát triển thêm nhiều ngành nghề tiềm năng như thủy sản, kinh tế biển. BIM Group cũng đang sở hữu cánh đồng muối công nghiệp lớn nhất Đông Nam Á với sản lượng 360.000 tấn/năm, và tiếp tục là ngành mũi nhọn trong nhiều năm tới.
Với những triển vọng phát triển đó, chị Vân, anh Thuận và hàng trăm công nhân viên khác đã có thêm động lực để khẩn trương hoàn thiện cơ sở vật chất và vận hành cho cụm ba nhà máy điện trên quê hương của mình. Họ hiểu rằng công việc tuy vất vả, nhưng mang tới một tương lai hứa hẹn hơn cho bản thân mình và các thế hệ sắp tới.
Là tập đoàn kinh tế đa ngành lớn mạnh tại Việt Nam, trên hành trình 25 năm phát triển, BIM Group đã tạo ra những sản phẩm mang tính tiên phong, khẳng định uy tín chất lượng trong các lĩnh vực đầu tư trong nước và quốc tế.
Sở hữu một nền tảng tài chính vững chắc, BIM Group đã tạo được những dấu ấn quan trọng trong 4 lĩnh vực kinh doanh chính là: Phát triển du lịch - đầu tư bất động sản; nông nghiệp - thực phẩm; dịch vụ thương mại; và năng lượng tái tạo.
BIM Group luôn chú trọng vào việc đảm bảo giá trị sinh lời bền vững theo thời gian, áp dụng những chính sách kinh doanh hiệu quả cao, đẩy mạnh phát triển đồng bộ và nỗ lực để giữ vững uy tín.